Trong số hàng ngàn vị thần của văn hóa Hy Lạp, mười hai vị thần trên đỉnh Olympus, hay còn gọi là những Olympian, là những vị thần nổi tiếng nhất. Đứng đầu bởi Zeus, đây là những vị thần này thống trị thế giới sau cuộc chiến Titanomachy – cuộc chiến chống các thần khổng lồ Titan.
Các vị thần này xuất hiện rất nhiều trong các các tác phẩm nghệ thuật như điêu khắc và hội họa cổ điển. Nhưng việc nhận ra ngay những vị thần này không phải dễ dàng, bởi họ thường được mô tả theo dưới nhiều hình thức bề ngoài khác nhau trong từng tình huống khác nhau.
Thực ra, mỗi vị thần đều có những đặc điểm và dấu hiệu nhận biết riêng, mà khi biết được chúng, chúng ta có thể dễ dàng gọi tên từng người. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
MỤC LỤC
Zeus (Jupiter)
Zeus – thần bầu trời và sấm sét. Ông là vị thần đứng đầu trong mười hai vị thần, cai quản đỉnh Olympus, và được coi là vua của các thần. Đây là vị thần dễ dàng nhận ra nhất, bởi ông thường là trung tâm của các tác phẩm hội họa và được bao quanh bởi các vị thần khác.
Zeus thường được mô tả là một người đàn ông trưởng thành, có râu quai nón, mặc áo choàng hoặc trang phục cổ điển. Đặc điểm nhận dạng chính của Zeus là thanh gươm sấm mà ông cầm trong tay. Các biểu tượng khác bao gồm đại bàng, vương miện lá sồi, quyền trượng và cái cân.
Hera (Juno)
Hera – nữ thần của hôn nhân và gia đình. Bà là chị và cũng là vợ chính thức của Zeus, và được coi là nữ hoàng của các thần. Chính vì thế, trong thần thoại, rất nhiều lần bà đã trả thù những tình nhân và con riêng của Zeus. Trong đó, câu chuyện hay được nhắc tới nhất là mối quan hệ của bà với Hercules, con riêng của Zeus với Alcmene, một người phàm trần.
Hera thường được mô tả là một người phụ nữ trưởng thành, quý phái, sang trọng, nhưng cũng không kém phần đanh đá, ghen tuông. Đặc điểm nhận dạng chính của Hera là chim công. Các biểu tượng khác bao gồm quả lựu, vương miện, chim cu, sư tử và bò cái.
Poseidon (Neptune)
Poseidon – thần biển cả, anh trai của Zeus. Khác với các vị thần khác, Poseidon có một cung điện nguy nga tráng lệ của riêng mình dưới biển sâu, nơi ông trị vì. Vợ chính của Poseidon là Amphitrite – nữ thần biển cả, nhưng cũng giống như Zeus – em trai mình, ông có một danh sách tình nhân và con riêng dài dằng dặc.
Poseidon thường được mô tả là một người đàn ông trường thành, có râu quai nón xoăn như sóng biển, đôi lúc ở trần với cơ bắp cường tráng lực lưỡng. Đặc điểm nhận dạng chính của Poseidon là cây đinh ba. Các biểu tượng khác bao gồm như ngựa, bò đực và cá heo.
Aphrodite (Venus)
Aphrodite – nữ thần tình yêu, sắc đẹp và dục vọng. Trong tác phẩm Theogonía của Hēsíodos, bà được cho là sinh ra ngoài khơi Cythera từ bọt biển tạo ra bởi bộ phận sinh dục của thần Uranus. Còn trong sử thi Iliad của Hómēros lại kể rằng bà là con gái của Zeus và Dione. Bà được coi là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ trong nghệ thuật phương Tây.
Aphrodite thường được mô tả là một người phụ nữ trẻ trung, mái tóc dài xoăn như sóng biển và thường khỏa thân. Đặc điểm nhận dạng chính của Aphrodite là vẻ đẹp của bà. Các biểu tượng khác bao gồm vỏ sò, bồ câu, chim chóc, táo, ong, thiên nga, mía và hoa hồng.
Athena (Minerva)
Athena – trí tuệ, thủ công mỹ nghệ và chiến lược quốc phòng. Athena là vị thần bảo trợ cho nhiều thành bang khác nhau trên khắp Hy Lạp, trong đó tiêu biểu nhất là thành Athens, nơi bắt nguồn cho tên gọi của bà. Khác với Ares, chiến tranh của Athena thường được coi là “giải quyết mâu thuẫn chính nghĩa” thay vì là sự dã man, tàn bạo.
Athena thường được mô tả là một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp và đôi khi cầm một thanh giáo. Đặc điểm nhận dạng chính của Athena là giáp và vũ khí, thường là một chiếc mũ chiến binh, cây giáo, chiếc khiên hay phần giáp ngực bằng kim loại. Các biểu tượng khác bao gồm đầu rắn của Medusa, cú và cây olive.
Hephaestus (Vulcan)
Hephaestus – thần thợ rèn và luyện kim. Ông là thợ rèn, thợ thủ công của tất cả các thần. Từ lúc sinh ra, ông đã bị mẹ mình là nữ thần Hera quẳng xuống trần gian vì dung mạo xấu xí, khiến ông bị khuyết tật vĩnh viễn cơ thể. Ông có đôi tay khéo léo, kỹ năng rèn đúc thượng thừa, và chung thủy – một phẩm chất rất hiếm hoi trong các nam thần Hy Lạp.
Hephaestus thường được mô tả là một người đàn ông già dặn, cơ thể vạm vỡ, dung mạo xấu xí và đôi khi bị thọt một bên chân. Đặc điểm nhận dạng chính của Hephaestus là đồ rèn đúc, thường là cây búa hoặc cái đe. Các biểu tượng khác gồm chim cút, kẹp sắt hay lửa.
Apollo (Apollo)
Apollo – thần tri thức và nghệ thuật, là vị thần hiếm hoi có tên Hy Lạp và tên La Mã trùng nhau. Ông cũng được coi là thần Mặt Trời trong một số phiên bản. Apollo là con trai của Zeus và Leto, và là em trai song sinh với Artemis – nữ thần săn bắn.
Apollo thường được mô tả là một thanh niên trẻ, với ngoại hình nho nhã và tri thức, thường xuất hiện cùng 9 nữ thần Muses – đại diện cho khoa học, văn học và nghệ thuật. Đặc điểm nhận dạng chính của Apollo là chiếc đàn Lyre thường được ông cầm trên tay. Các biểu tượng khác gồm mặt trời, ánh sáng, vòng nguyệt quế, cung và tên, quạ, cá heo, sói, thiên nga và chuột.
Artemis (Diana)
Artemis – nữ thần săn bắn, cũng có thể coi là thần Mặt Trăng. Giống như Apollo, em trai song sinh của mình, Artemis cũng là vị thần đại diện cho sự bảo trợ trẻ nhỏ. Artemis thề rằng không bao giờ kết hôn, và do đó trở thành một trong ba nữ thần trinh nữ Hy Lạp.
Artemis thường được mô tả là một cô gái trẻ, nhanh nhẹn, tháo vát, thường xuất hiện cạnh bầy thú và mặc một chiếc váy dài đến đầu gối – trang phục đại diện cho trinh nữ. Đặc điểm nhận dạng chính của Artemis là cung và tên, hoặc ống tên treo ở sau lưng. Các biểu tượng khác bao gồm mặt trăng, hươu nai, chó săn, gấu cái, rắn, cây bách.
Demeter (Ceres)
Demeter – nữ thần nông nghiệp và mùa màng. Bà có hai người con, một của thần sấm Zeus, và một của thần biển cả Poseidon. Con của bà với Zeus là nữ thần Persephone, bị thần địa ngục Hades bắt làm vợ sáu tháng một năm. Còn con của bà với Poseidon là một con ngựa biết nói tên Arion, do Poseidon đã hóa thành ngựa khi ân ái với bà.
Demeter thường được mô tả là một người phụ nữ trưởng thành, tay cầm trượng, xung quanh là các sản phẩm nông nghiệp. Đặc điểm nhận dạng chính của Demeter là cây lúa mì, thường được bà cầm trên tay hoặc kết trên tóc. Các biểu biểu tượng khác gồm chó con, ngọn đuốc và lợn.
Ares (Mars)
Ares – thần chiến tranh, bạo lực và chém giết. Là con trai của Zeus và Hera, nhưng từ khi đẻ ra, ông đã không nhận được bất kỳ tình thương gì của cha mẹ vì bản tính ngông cuồng và hiếu chiến. Tương truyền chiếc ngai của ông trên Olympus được bọc kín bằng da người. Hầu hết các vị thần khác cũng không ưa gì Ares, ngoại trừ Aphrodite – tình nhân của ông.
Ares thường được mô tả là một thanh niên trẻ, khỏe mạnh, với ngoại hình cân đối, ưa nhìn và cá tính. Đặc điểm nhận dạng chính của Ares là giáp và vũ khí, thường là kiếm, giáo, khiên hay mũ chiến binh giống Athena. Các biểu tượng khác gồm lợn rừng, rắn, chó, kền kền, giáo và khiên.
Hermes (Mercury)
Hermes – thần thương nghiệp, giao tiếp và trộm cắp. Ông cũng là người đưa tin của các vị thần. Là kết quả của cuộc tình vụng trộm giữa Zeus và tiên nữ Maia, Hermes là vị thần gần như nhỏ tuổi nhất trên đỉnh Olympus, chỉ sau Dionysus.
Hermes thường được mô tả là một thiếu niên rất trẻ, với ngoại hình gọn gàng và nhanh nhẹn. Đặc điểm nhận dạng chính của Hermes là đôi cánh, thường được gắn trên giày, mũ hoặc trang phục. Các biểu tượng khác gồm quyền trượng Caduceus – chiếc quyền trượng có hai con rắn quấn nhau, cò và rùa.
Dionysus (Bacchus)
Dionysus – thần tiệc tùng và hoan lạc. Đây là vị thần trẻ nhất trên đỉnh Olympus. Có nhiều phiên bản về nguồn gốc của vị thần này, nhưng hầu hết có điểm chung là con của thần sấm Zeus. Đôi khi thần Dionysus cũng được so sánh với thần Shiva của đạo Hindu vì một số đặc điểm ngoại hình tương đồng.
Dionysus thường được mô tả là một thanh niên trẻ, thường khỏa thân, với điệu bộ thoải mái tự nhiên. Đặc điểm nhận dạng chính của Dionysus là lá nho, thường được kết làm vòng đội trên đầu. Các biểu tượng khác gồm dây trường xuân, cốc rượu, hổ, báo đen, báo đốm, cá heo và dê.