Sản phẩm kỹ thuật số là tất cả các sản phẩm được tạo ra, phân phối, và tiêu thụ ở định dạng điện tử. Chúng được những nhà sáng tạo – phát triển tạo ra dưới dạng các sách, khóa học, phần mềm, âm thanh,…, được số hóa và cung cấp qua Internet.
Việc phát triển những sản phẩm này loại bỏ rất nhiều rủi ro so với hàng hóa truyền thống. Ví dụ như hàng tồn kho, lỗi vận chuyển hay chi phí sản xuất ban đầu. Tuy nhiên nó lại phải đối mặt với một rủi ro nghiêm trọng khác. Đó chính là những người dùng “lậu”.
Tôi cũng có những sản phẩm kỹ thuật số của riêng mình. Với câu chuyện bị “lậu”, quả thật tôi có thể tự nhận bản thân có bề dày kinh nghiệm – trải nghiệm sâu sắc. Chính vì thế, sau vài năm, tôi đã rút ra được một số chiến lược cụ thể và hiệu quả để bảo vệ sản phẩm của mình.
Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ chúng với tất cả các anh chị em đồng nghiệp. Lưu ý rằng, đây không phải là những chiến lược làm giàu. Tôi cũng không ý định dạy dỗ hay mở các khóa học kinh doanh. Nó chỉ là những kinh nghiệm thực tế cá nhân của tôi, dưới tư cách một người làm sản phẩm muốn bảo vệ đứa con tinh thần của mình.
MỤC LỤC
Vì sao cần có chiến lược cụ thể?
Việc “lậu” bao gồm rất nhiều hình thức khác nhau. Mua chung – dùng chung, gom hàng để phân phối lại, hoặc bẻ khóa bản quyền. Nhiều người thậm chí còn trục lợi lớn từ việc cung cấp dịch vụ “lậu” các sản phẩm. Tất cả chúng đều ảnh hưởng đến doanh thu của bạn.
Hầu hết những anh em mà tôi biết đều có hàng tá những chiến thuật (tactical) cho vấn đề này. Nó gồm những hành động cụ thể, khi sự kiện ấy diễn ra. Bóc phốt, truy tìm và tấn công nguồn phát tán. Thậm chí chèn cả những lời chửi rủa và trù ếm những người dùng lậu trong sản phẩm.
Những thực ra, điều này sẽ chỉ khiến bạn mệt mỏi và kiệt sức. Bạn luôn phải đấu tranh và tìm biện pháp xử lý mỗi khi phát hiện ra một “bể phốt” mới. Nếu xác định đây là công việc nghiêm túc, một chiến lược (strategy) cụ thể và lâu dài sẽ là thứ cần thiết để ứng phó cho mọi tình huống sắp tới.
Luôn sẵn sàng cho “lần đầu tiên”
Khi phát hiện sản phẩm của mình bị “lậu”, một loạt các cảm xúc sẽ diễn ra. Bàng hoàng, tức giận, cay cú, thất vọng và đau khổ. Tôi biết rất nhiều trường hợp, tác giả thậm chí suy sụp và ngừng công việc sáng tạo luôn ngay sau lần đầu tiên trải nghiệm chuỗi cảm xúc này.
Hãy thẳng thắn nhìn vào vấn đề. Sản phẩm kỹ thuật số cực kỳ dễ bị sao chép và tái phân phối. Và sự thực là bạn sẽ không bao giờ ngăn chặn được việc này. Nếu sản phẩm của bạn tốt và được nhiều người quan tâm, nó sẽ bị “lậu”. Khi bạn bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực này, cần xác định rằng điều đó là một loại rủi ro trong kinh doanh không tránh khỏi. Nó chỉ xảy ra sớm hay muộn, mà thôi.
Nếu bạn chấp nhận được sự thật trên, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Khi nó xảy ra, tâm trạng vẫn sẽ đi xuống, nhưng chí ít chúng ta sẽ không tốn quá nhiều năng lượng cho những cảm xúc tiêu cực đó. Hãy để dành năng lượng đó cho công việc sáng tạo và tiếp tục phát triển sản phẩm.
Thời nay con gián cũng biết lên mạng
Thường thường, mọi người sẽ khởi đầu bằng những sản phẩm được đóng gói hoàn toàn, và giao dịch kiểu “tiền trao cháo múc” với người mua. Bạn gửi tiền, tôi gửi đường dẫn để tải. Mặc dù nó là sản phẩm kỹ thuật số, nhưng nó được mua bán không khác gì một sản phẩm vật lý.
Với cách làm này, một người dùng thông thường cũng có thể “lậu” sản phẩm của bạn. Thứ ngăn cản họ làm điều đó chỉ là đạo đức mà thôi. Làm sản phẩm trực tuyến là cách hiệu quả để ngăn chặn điều này.
Đừng hiểu nhầm việc chỉ đơn thuần tải sản phẩm của bạn lên Internet. Chiến lược ở đây là phải gắn chặt nó với Internet. Ví dụ, trong lĩnh vực đào tạo, thay vì những khóa học được đóng gói tất-cả-trong-một video, bạn hãy dùng những bài giảng dạng tương tác chữ viết – hình ảnh – ghi chú – video kết hợp ngay trên nền tảng của bạn. Những thứ này vô cùng khó sao chép và tải xuống.
Việc cập nhật và bảo vệ một sản phẩm trực tuyến cũng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với một sản phẩm được đóng gói hoàn toàn. Bởi thực tế sản phẩm vẫn luôn nằm trong tay bạn. Bạn chỉ cung cấp cho người dùng quyền được tiếp cận và sử dụng nó.
Tưới cây thường xuyên
Chúng ta đều yêu thích mô hình “vất vả một lần, nhàn nhã cả đời”. Bạn cố gắng tạo ra một sản phẩm hoàn hảo, sau đó đóng gói kỹ càng rồi chỉ tập trung vào bán hàng. Đối với những với sản phẩm kỹ thuật số, theo tôi chiến lược này không tốt cho cả khách hàng lẫn chúng ta.
Đầu tiên, nó gần như bất khả thi để tạo ra được một sản phẩm hoàn hảo. Thời gian trôi qua, bạn thay đổi, thị trường thay đổi, công nghệ cũng thay đổi. Khi kiến thức tăng lên, bạn mới có thể nhận ra khuyết điểm trong sản phẩm cũ của mình. Sản phẩm cần phải được cập nhật liên tục để phù hợp với thực tế. Đó cũng là cách để giúp sản phẩm của bạn luôn sống sót, mới mẻ, và hữu ích. Đứa con của bạn sẽ giữ giá theo thời gian, trong khi những sản phẩm lậu sẽ kém hấp dẫn dần và đi vào dĩ vãng.
Thứ hai, bạn vất vả một lần thì thị trường “lậu” cũng sẽ chỉ vất vả một lần. Cải tạo thứ có sẵn sẽ đỡ tốn công hơn nhiều so với việc ngày đêm cày để ra được một thứ mới. Bạn sẽ không có những doanh thu “xổi” giống như khi mở bán liên tục, nhưng về lâu dài, nó sẽ giúp bạn “vắt” ra được nhiều hơn từ một sản phẩm. Thị trường cũng “lậu” sẽ vất vả hơn để theo kịp được bước chân của bạn.
Vì thế, nếu có thể, hãy cập nhật sản phẩm của bạn thường xuyên. Đừng để sản phẩm của bạn chết héo bên cạnh những sản phẩm lậu.
Bán bia kèm lạc
Khi bán một sản phẩm, chúng ta có thể bán kèm những dịch vụ liên quan. Hàm lượng dịch vụ trên sản phẩm càng nhiều thì hàng “lậu” càng kém hấp dẫn. Những hậu mãi, chăm sóc sau mua, dịch vụ mở rộng khi sử dụng sản phẩm,…, là thứ khó lòng chia sẻ “lậu”.
Ví dụ với những trang thư viện 3D. Ngoài việc cung cấp sản phẩm, thì họ cung cấp cả những dịch vụ khác như lưu trữ, quản lý, bộ lọc và tìm kiếm. Điều này khiến việc sở hữu một bộ thư viện offline đồ sộ sẽ khó dùng hơn so với sử dụng online.
Với những sản phẩm có dịch vụ, chúng ta có thể thu thêm chi phí từ người dùng. Cách làm phổ biến là tính tiền thuê bao, theo tháng, theo quý hay theo năm. Thậm chí chúng ta cũng có thể biến sản phẩm thành dịch vụ hoàn toàn (Product as a Service – PaaS). Khi này, người dùng giống như đang “thuê” sản phẩm của bạn. Nó cũng mở ra nhiều cách thanh toán linh hoạt hơn so với việc chỉ bán thuần sản phẩm.
Định giá đúng đắn
Người dùng có hàng tỷ cách thức để sử dụng “lậu”. Nhưng sau cùng, chúng đều chung một mục đích: giảm chi phí sử dụng sản phẩm. Những người dùng này thường bị chỉ trích rất nặng nề vì hành vi của mình, nhưng thực tế, ham rẻ là một tâm lý hoàn toàn phổ biến của người mua hàng. Chúng ta cần phải suy nghĩ nghiêm túc và cẩn thận về chi phí để đáp lại nhu cầu này.
Với những nhà sáng tạo – phát triển sản phẩm cá nhân, việc định giá sản phẩm mới thường dựa trên cơ sở: công sức của tôi xứng đáng được bao nhiêu và bao nhiêu người sẽ mua hàng. Tức là chúng ta chỉ đứng ở góc độ người bán. Điều này làm cho các sản phẩm thường bị định giá quá cao so với thực tế để đảm bảo việc bán hàng không bị lỗ. Các tác giả cũng cần thu hồi chi phí ngay lập tức để tiếp tục phát triển các sản phẩm tiếp theo.
Hãy đứng ở góc độ người mua. Sản phẩm của tôi xứng đáng được bao nhiêu? Liệu tôi có sẵn sàng bỏ bằng đấy chi phí cho sản phẩm tương tự của tác giả khác không? Liệu sản phẩm của tôi có thực sự hấp dẫn và có ích tới người dùng? Việc đặt những câu hỏi trên giúp bạn thấu hiểu hơn với người dùng. Từ đó đưa ra con số hợp lý hơn cho sản phẩm của mình.
1 giờ chặt cây, 4 tiếng mài rìu
Tôi biết một anh bạn dành tới 6 tháng để phát triển xong một phần mềm. Khi tôi đề cập đến vấn đề doanh thu trong một buổi gặp mặt, anh chỉ lắc đầu buồn. Anh đưa tôi xem qua phần mềm của anh để tìm lời khuyên. Sau khi xem xong, tôi thật lòng phải thốt lên kinh ngạc. Không thể hiểu nổi tại sao anh ấy lại cần tới 6 tháng để phát triển phần mềm này. Trong khi tôi tin rằng với sự tập trung cao độ và áp dụng một vài thủ thuật, nó chỉ cần khoảng 2 tuần là hoàn thành.
Anh đã sản xuất nó một cách cực kỳ lạc hậu và thủ công. Anh viết tới 6.000 dòng cho một tính năng cơ bản, trong khi nó chỉ cần một thuật toán dưới 100 dòng để giải quyế. Rồi lại mắc sai lầm trong định giá. “6 tháng cơ mà, làm sao bán rẻ được”. Anh mới chỉ nghĩ đến công sức của anh đã bỏ ra, nhưng không nghĩ rằng nó đã được bỏ ra một cách hiệu quả hay chưa.
Tối ưu quý trình tạo ra sản phẩm là điều bắt buộc để làm cho nó có chi phí hợp lý hơn.
Lời tạm kết
Trên đây là một số chia sẻ và suy nghĩ của tôi về việc sản phẩm kỹ thuật số. Xin nhắc lại một lần nữa, đây không phải là bài viết dạy về kiến thức kinh doanh. Hãy tham khảo nó và tự đưa ra phương pháp cho mình. Nếu bạn có các chiến lược khác hay hơn, hãy đóng góp chúng ở phần bình luận, tôi rất vui nếu có thể trao đổi cùng bạn.