Chi tiết này gọi là Eared Architrave (tai dầm, dầm có tai), hoặc Shouldered Architrave (vai dầm, dầm có vai). Đôi khi người ta gọi nó là Crossetted Corner, nhưng tôi nghĩ cách gọi trước đúng với chủ đề bài viết này hơn, vì Eared Architrave là 1 chi tiết có nghĩa, và chỉ luôn xuất hiện ở phía trên (vì nó là “dầm”). Còn Crossetted Corner giống như là 1 thủ pháp trang trí, và có thể xuất hiện ở bất kỳ góc nào, ví dụ như chân lò sưởi, góc khung tranh và các đồ nội thất khác.
Như đã nói trong các bài viết trước, phần “nóc” của hệ thống phào trang trí cửa thường được nhằm ngụ đến phần chịu lực ngang – tức “dầm” của thức cột cổ điển. Trong trường hợp chiều cao giới hạn, hoặc do lựa chọn thiết kế (đặc biệt hay gặp ở các phong cách nội thất Greek Revival hoặc Georgian), người ta có thể lựa chọn “tai dầm” để biểu thị điều đó. Hãy tạm hình dung đến lanh tô cửa trước khi trát, nó sẽ là hình ảnh trực quan nhất.
Vì thế, khi dùng “tai dầm” để trang trí, tỷ lệ là thứ nên được quan tâm đầu tiên. Nếu bề rộng của phào + khuôn cửa là D, thì tốt nhất là tai dầm nên cao hơn 2-2.5D, và phần nhô ra khoảng bằng 1/4-1/2D. Tai dầm quá lùn và bé so với phào hoặc nếu tai dầm vươn ra quá nhiều sẽ tạo ra thị giác kỳ lạ. Tai dầm vươn ra quá ít thì có thể sẽ khó khăn cho thi công. Đôi lúc chúng ta sẽ phải chêm thêm gỗ hoặc dùng 2 profile phào khác nhau để khuôn cửa không bị hở.
Mặc dù cũng có lúc người ta dùng cả một đầu hồi cổ điển đầy đủ kết hợp với Eared Architrave cùng lúc, nhất là trong hệ thống lò sưởi trang trí, nhưng nhìn chung phía trên tai dầm cũng không nên đặt thêm trang trí quá dày để tránh cảm giác nặng nề cho hệ thống phào tổng thể.
Và theo ý kiến cá nhân của tôi, tốt nhất là chúng ta không nên lạm dụng cách làm này với phào cửa nội thất, bởi vì về mặt ý nghĩa, nó giống như dầm đặt trên dầm vậy. Nếu muốn kết hợp chúng, nên cân nhắc giảm kích thước hay thay đổi thiết kế của phần architrave trên đầu hồi để mọi thứ bớt ngột ngạt và nặng nề hơn hơn.
Tùy vào profile phào, độ dày khuôn cửa và kích thước nhô ra mà bạn lựa chọn mà sẽ có một số cách xử lý cho phần phào phía trên. Các xử lý thường thấy nhất là profile phào phía trên sẽ dày hơn bình thường để đảm bảo không bị hở khuôn cửa – tức là chúng ta sẽ dùng 2 profile phào khác nhau. Nếu khuôn cửa đủ dày, cũng có thể cân nhắc cho khoảng offset của tai dầm rất nhỏ để mép trong của phào vẫn nằm trên khuôn cửa.
Ngoài ra, còn có một thủ pháp xử lý dễ dàng và đẹp mắt khác đó là tính toán để sau khi chạy phào, nó sẽ tạo ra một khoảng trống hình vuông ở góc trên của cửa. Lúc này chúng ta chỉ cần đặt 1 miếng phù điêu vuông nhỏ để kết thúc công việc. Cuối bài, tôi sẽ đính kèm 1 video hướng dẫn tính toán và vẽ 1 Eared Architrave cơ bản xử lý theo cách này bằng SketchUp, bạn đọc có thể tham khảo.