Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của các công trình kiến trúc mang phong cách lâu đài châu Âu. Các tòa lâu đài này, với những đường nét hoa lệ và lộng lẫy, đã trở thành biểu tượng của sự giàu có và quyền lực.
Sự phổ biến của kiểu kiến trúc này không chỉ đơn thuần là một xu hướng thẩm mỹ. Nó phản ánh một nhu cầu sâu sắc về khẳng định tầng lớp. Ấy vậy, dù có vẻ ngoài có khi còn đậm đặc hơn cả châu Âu, sự trống rỗng về phong cách sống trong nó lại trở thành một điều đáng buồn.
MỤC LỤC
Chúng ta giàu lên quá nhanh
Việc đất nước chúng ta trở nên giàu có nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây đã tạo ra một thế hệ mới của giới thượng lưu. Họ là những người có tiền và đủ độ “chơi” để chi trả cho những ngôi nhà xa xỉ theo mô hình “bánh kem” này. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế nhanh chóng dường như đã vượt qua khả năng thích ứng văn hóa của xã hội. Vật chất trở thành biểu tượng của thành công, trong khi giá trị văn hóa và phong cách sống lại không được chú trọng.
Hệ quả là khoảng trống văn hóa xuất hiện, nhất là trong những tầng lớp trung lưu đang cố gắng vươn lên. Đôi lúc, chính chủ đầu tư cũng nhận thức được về khoảng trống đó. Họ tìm đến kiến trúc sư, với mong muốn có một người dẫn dắt để bù đắp những thiếu hụt về văn hóa và lối sống. Những sự thực thì sao? Có khi kiến trúc sư còn “trống” nhiều hơn cả chủ nhà.
Học thuật không theo kịp
Các kiến trúc sư, trước sức ép của việc phải tạo ra lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đã trở thành những người tiếp tay và phát triển cho xu hướng. Việc thiết kế và xây dựng các tòa lâu đài trở thành một ngành thương mại nghiêm túc. Xuất hiện với những cá nhân và hội nhóm liên kết hoàn chỉnh, chuyên hạng mục “lâu đài”.
Thế nhưng, phần lớn các “chuyên gia” trong lĩnh vực này, lại thiếu hụt kiến thức cơ bản về kiến trúc cổ điển. Thực tế, ở Việt Nam, chưa có ngành đào tạo hay các lớp học chuyên về kiến trúc cổ điển. Rất nhiều người học bằng bản năng, qua việc nhặt nhạnh và sao chép các chi tiết vu vơ thông qua ảnh trên Internet.
Họ thiếu thời gian để nghiên cứu hệ thống kiến thức và chuẩn bị sẵn sàng cho những công trình như vậy. Áp lực về tiến độ, thuyết phục chủ nhà và đặc biệt là những “tiền lệ” đã thành công trước đó, khiến con đường sai trái cứ được đi mãi. Dần dần, nó cũng thành một lối mòn, một công thức tào lao nhưng an toàn khi thiết kế lâu đài.
Vì thế, dù có thể tự hào là đã tạo ra những công trình “giông giống” như những tuyệt tác của Châu Âu, thực chất các nhiều người thiết kế làm việc không khác gì một người thợ đắp phù điêu. Việc đơn thuần cóp nhặt mà không hiểu sâu về bản chất cũng như ý nghĩa thẩm mỹ của các chi tiết, khiến tạo hình của các thành phần thường rất kỳ lạ. Người không biết thì trầm trồ. Người biết thì chỉ có thể phì cười và tiếc nuối.
Mâu thuẫn trong lối sống
Một trong những mâu thuẫn lớn nhất trong xu hướng xây dựng kiểu lâu đài ở là việc cố gắng vẽ kiểu Tây, thi công kiểu Tây, nhưng thiếu người kiểu Tây ở. Trong lòng những tòa lâu đài tráng lệ ấy, vẫn còn sót chiếc lồng bàn nhựa Song Long đỏ thắm, úp lên cái mâm dát vàng có họa tiết trống đồng cầu kỳ. Đâu đó ngoài sân, có cái điếu cày chạm rồng bạc gác vào một góc, bên cạnh là gói thuốc lào bỏ dở vương vãi và đôi dép tổ ong hai trăm lỗ vàng khè.
Những điều tương tự xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống “vương giả”. Chúng đều thể hiện rằng vẻ ngoài những ngôi nhà này thường không phản ánh đúng chức năng sử dụng, thiếu tính thực tiễn và không phù hợp với điều kiện sống và văn hóa của chính gia chủ. Những người thiết kế, hẳn họ cũng biết điều đó. Nhưng rồi mọi băn khoăn đều lép vế đằng sau bài toán cơm áo gạo tiền. Những tiếng nói phản đối bé nhỏ bị át đi bởi những lời khen có cánh của báo chí, cũng như sự tung hô của bạn bè thân hữu gần xa.
Hãy thử phân tích mặt bằng của một “lâu đài” bất kỳ, bạn sẽ hiểu điều tôi nói.
Các công trình mang tính bản sắc và văn hóa trở nên nhợt nhạt và yếu đuối, khi đứng cạnh những gã lâu đài sừng sững. Và quần chúng nhân dân chỉ đơn giản là không quan tâm. Chỉ cần có các từ khóa “khủng”, “nghìn tỷ”, “siêu to”, “khổng lồ”, “lớn nhất”, “dát vàng”,…, là đủ.
Thứ gì sẽ thay thế lâu đài?
Như câu hỏi đặt ra ở tiêu đề, thứ gì có thể thay thế cho những tòa lâu đài này trong tương lai? Khi mà xã hội ngày càng nhận thức rõ hơn về giá trị thực sự của văn hóa và bản sắc? Thật khó có thể dự đoán chính xác. Nhưng tôi đoán chắc hẳn thứ thay thế đó vẫn sẽ không thể nào thay đổi được cục diện chung, nếu so với hệ thống “lâu đài” bây giờ. Bởi đây không phải là một vấn đề của riêng kiến trúc, mà đó là một vấn đề của văn hóa và xã hội. Kiến trúc sư sẽ làm gì khi chủ đầu tư nằng nặc yêu cầu ngôi nhà của mình phải “to, khủng, đáng trầm trồ”?
Câu hỏi đơn giản, nhưng thật khó đưa ra được câu trả lời.