Phong cách Chippendale được gọi theo Thomas Chippendale, một thợ mộc vĩ đại người Anh thế kỷ 18. Dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của ông có lẽ là việc xuất bản thành công cuốn sách “The Gentleman and Cabinet Maker’s Director” – một cuốn sách tổng hợp các thiết kế đồ nội thất. Dù đã được xuất bản hơn 250 năm nhưng giá trị của cuốn sách có thể nói là vượt thời đại.
Cuốn sách thành công đến mức nó thay đổi toàn thị trường nội thất nước Anh bây giờ, và tầm ảnh hưởng của Thomas Chippendale lan ra khắp châu Âu và châu Mỹ. Danh tiếng vang dội của ông khiến bất kỳ đồ nội thất nào có các chi tiết thiết kế tương tự cũng được gọi là phong cách Chippendale.
Quay lại chủ đề bài viết, như đã nói ở trên, lan can kiểu Chippendale không phải chỉ một mẫu lan can cụ thể nào, nó chỉ có các pattern xuất hiện trong thiết kế của Chippendale, và người ta gọi nó là lan can kiểu Chippendale. Tức là cũng có rất nhiều mẫu lan can khác được gọi là lan can kiểu Chippendale. Tôi chọn 2 mẫu phía dưới đây để trình bày vì nó là loại phổ biến nhất do nó rất dễ vẽ nhưng vẫn đẹp mắt.
Các bạn có thể thấy họa tiết của nó khá quen thuộc – điều này là chính xác vì các thiết kế này có cảm ứng từ các họa tiết Trung Quốc. Tuy chắc hẳn các kiến trúc sư đều có khả năng “bắt hình” được, nhưng khi thực hành thiết kế, chúng ta có thể gặp một chút lúng túng trong giai đoạn đầu.
Đầu tiên, chúng ta sử dụng các đường gióng dọc để chia bắt đầu chia module. Tôi hay chia sao cho khoảng cách giữa 2 đường gióng nhỏ hơn 20cm, sau khi thêm độ dày lan can thì khoảng cách này sẽ khoảng 15cm để đảm bảo an toàn. Chúng ta gọi khoảng cách này là D.
Chú ý rằng 2 thanh lan can dọc phía ngoài cùng có khoảng cách tới trụ luôn bé hơn khoảng cách giữa 2 thanh dọc với nhau. Điều này để tạo hiệu ứng vững chắc hơn cho lan can – thủ pháp tương tự khi đặt cột trong kiến trúc cổ điển. Tôi hay cho khoảng cách này là bằng D/2, khi đó tôi có thể dễ dàng offset các đường dóng sang D/2 và hoàn tất việc vẽ đường dóng cho trụ dọc.
Tiếp theo, chọn kích thước phần “nhân”. Nếu kích thước giữa 2 trụ quá lớn thì nên cân nhắc làm 2 phần nhân để trông không bị nhiều khoảng dọc quá. Các nhân theo tôi nên cách nhau đúng một khoảng bằng hai khoảng ngoài cùng. Nhân có thể là hình vuông hoặc hình chữ nhật, cá nhân tôi thích hình chữ nhật hơn để trông nó không bị khô cứng.
Vẽ 2 nét chéo trong phần “nhân”. Chúng ta sẽ chỉ vẽ trong 2/4 tam giác được tạo bởi 2 nét chéo, các phần còn lại sẽ được xoay và nhân bản qua. Chú ý nhắc lại không phải lật – nhân bản mà là xoay – nhân bản. Đánh dấu các điểm trên 1 cạnh của tam giác để chia nó ra thành 3-4 phần bằng nhau. Nếu bạn dùng kim loại có thể chia phần này thành nhiều hơn. Vẽ các nét song song với cạnh còn lại và đi qua các điểm này. Ở đây, dựa vào các cạnh phác này, chúng ta sẽ có 2 lựa chọn về thiết kế.
Sau khi xong 1 phần tam giác, chúng ta sẽ xoay và nhân bản các tam giác này ra 180 độ để phủ kín 1 module. Nhân bản module này ra các phần khác lan can, và thế là bạn đã có 1 lan can kiểu Chippendale đẹp mắt và gọn gàng. Có thể các chỉ dẫn bằng văn bản sẽ rất khó hiểu, vì thế trong bài viết tôi đã có đính kèm 1 video hướng dẫn dựng lan can này trên phần mềm SketchUp một cách chính xác và nhanh chóng. Chúc các bạn thành công.