Khi sử dụng AutoCAD để thiết kế và triển khai bản vẽ, việc chọn thiết lập style khi in ấn hay xuất file mềm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó đảm bảo các đường nét được in chuẩn thuộc tính, khiến bản vẽ dễ đọc và đúng tính chất kỹ thuật.
Trước đây và thậm chí là cả bây giờ, CTB (Color-Dependent Plotting) là phương pháp phổ biến để xử lý công việc này. Phương pháp này kiểm soát các thuộc tính in ấn dựa trên màu sắc (color) của các đối tượng. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng cao về độ chính xác và linh hoạt, CTB đã dần trở nên lỗi thời.
Vì thế, STB (Style-Based Plotting) đã xuất hiện như một giải pháp tiên tiến và hiệu quả hơn. Phương pháp này cho phép người dùng kiểm soát các thuộc tính in ấn dựa trên các kiểu in được định nghĩa từ trước. Nó giúp bạn dễ dàng quản lý và áp dụng các thiết lập in ấn một cách nhất quán và chính xác hơn. Đồng thời, nó cũng giúp những nhân viên mới, hay đối tác của bạn, nhanh chóng tiếp cận và làm quen với tiêu chuẩn chung của bản vẽ.
Bài viết này sẽ giúp bạn làm quen và thành thạo trong việc sử dụng STB trong AutoCAD, từ việc tạo và cấu hình các file STB, đến áp dụng chúng trong bản vẽ và in ấn. Hãy cùng bắt đầu.
MỤC LỤC
Tạo bản vẽ mới dùng STB
Để bắt đầu, hãy mở AutoCAD và tạo một bản vẽ mới bằng lệnh New (Ctrl + N). Bảng chọn template của AutoCAD sẽ hiện ra. Chọn template acadISO – Named Plot Styles.dwt (1), rồi bấm Open (2). Một bản vẽ mới sẽ được tạo ra. Lúc này bạn sẽ chưa thấy có gì lạ so với bản vẽ thông thường.
Hãy sử dụng lệnh Plot (Ctrl + P) để bật bảng Plot lên. Nhìn sang bên phải góc phía trên, bạn sẽ thấy điểm khác biệt. Các style đuôi .ctb đã được thay thế bởi các style đuôi .stb. Cũng như CTB, AutoCAD có tạo sẵn một số bảng style STB làm mẫu cho bạn. Ở đây, tôi sẽ hướng dẫn các bạn tự tạo một bảng style cho riêng mình.
Lưu ý rằng, một bản vẽ AutoCAD sẽ chỉ sử dụng một trong hai kiểu in ấn này. Không có cách nào để đồng thời kết hợp sử dụng chúng cùng lúc. Mặc dù AutoCAD có hỗ trợ lệnh convert từ CTB sang STB (CONVERTPSTYLES), nhưng theo tôi, nếu bạn còn bỡ ngỡ với STB, tốt nhất là không sử dụng lệnh này để tránh gây ra rắc rối.
Tốt nhất là khi còn làm quen với STB, bạn nên tạo một template mới, dành cho các dự án mới. Tức là, STB phải là thứ được cài đặt từ đầu, trước khi bạn vẽ bất kỳ nét vẽ nào. Không nên áp dụng phương pháp này trong các dự án đang triển khai nếu chưa có kinh nghiệm xử lý.
Thiết lập một file STB mới
Mở lại bảng Plot bằng nút tắt Ctrl + P. Bấm vào danh sách Style Table, chọn New…, bảng Add Named Plot Style Table sẽ hiện ra. Chọn Start from scratch (1), sau đó bấm Next (2). Điền tên style bạn muốn thiết lập (3), sau đó bấm Next (4). Bước cuối cùng, bấm Finish (5) để hoàn thành việc tạo một file STB mới.
Tạo các style trong STB của bạn
Sau khi tạo xong STB theo bước trên, bạn sẽ thấy tên file STB của bạn hiện trong mục Plot style table. Ví dụ, ở đây của tôi sẽ hiện là Dangtiendung.stb. Hãy bấm vào nút Plot Style Table Editor ngay bên cạnh để bắt đầu chỉnh sửa. Khi mới bật lên, có thể bạn sẽ thấy hơi bỡ ngỡ một chút, do tab mặc định khi mở lên sẽ là Table View, thay vì Form View như CTB.
Hãy chuyển qua phần Form View (1). Sau đó bấm vào Add Style (2). Trong bảng Add Plot Style hiện ra, điền tên style là Black. Chọn Black trong Plot styles, nhìn sang group Properties bên phải, hãy thay dòng đầu tiên Use object color bằng Black (3).
Chúc mừng, bạn đã tạo ra Style STB đầu tiên của riêng mình. Hãy tạo ra thêm các style của riêng bạn. Ví dụ: Red, 50% (screening), 25% (screening), Blue, vân vân. Theo kinh nghiệm của tôi, thường sẽ cần dùng khoảng 5-10 style cho mọi loại bản vẽ.
Nhưng khoan, bạn có thấy có điểm gì quen quen không?
Làm rõ vấn đề: STB và CTB?
Ở đây, chúng ta sẽ so sánh một chút về Form View của STB và CTB. Bạn thấy điều gì?
Đúng, chúng hoàn toàn giống nhau! Cả hai đều có các tùy chọn ghi đè (override) tính chất về màu sắc, độ dày, độ trong, góc giao nét,…, và các thuộc tính khác trong group Properties. Điểm khác biệt duy nhất chỉ là ở danh sách style.
Ở CTB, có 255 style được thiết lập sẵn theo 255 màu sắc. Bạn không thể thêm hay bớt các style này. Còn ở STB, số style là không giới hạn. Và thay vì dùng màu để phân biệt, nó dùng tên gọi.
Đó chính là lý do vì sao tôi đề cập ở đầu bài viết rằng STB giúp người khác “nhanh chóng tiếp cận và làm quen với tiêu chuẩn chung của bản vẽ”. Bởi dù sao một cái tên cũng thể hiện nhiều thông tin hơn là một mã màu. Đồng thời, người vẽ cũng có thể sử dụng màu sắc thoải mái trên model, mà không sợ ảnh hưởng đến in ấn.
Hãy thử tưởng tượng, nhân viên mới muốn vẽ một nét màu xanh dương để ghi chú. Quản lý thay vì truyền đạt rằng “hãy sử dụng màu 138 để vẽ”, nhân viên có thể tự tìm ra style có tên là “Blue” trong Plot Style, mà không cần phải hỏi lại.
Vậy, có thể nói rằng STB và CTB gần như là một. Chúng chỉ khác nhau ở cách gọi tên style. Một bên gọi theo mã màu sắc, và một bên gọi theo tên bạn đặt. Thay đổi nhỏ, nhưng hiệu quả lớn.
Áp dụng vào trong bản vẽ thực tế
Sau khi hiểu bản chất, hẳn bạn sẽ thấy phương pháp này thực tế rất gần gũi và không có gì “công nghệ cao” cả. Giống như CTB, chúng ta cũng có vài cách để kiểm soát nét cho một đối tượng: bởi Layer (by Layer), bởi Block (by Block), hoặc chỉnh riêng cho đối tượng đó. Chúng ta sẽ thử một vài ví dụ, để hiểu về cách hoạt động của nó.
Bắt đầu thực hành cơ bản. Hãy vẽ một hình chữ nhật với màu sắc và layer bất kỳ. Chọn hình chữ nhật đó, bấm Ctrl + 1 để hiện bảng thuộc tính Properties lên. Hãy nhìn ở mục bên trái. Nếu sử CTB, bạn có thể Override tính chất của nó bằng Color (1). Còn với STB, bạn sẽ chọn style ở dòng Plot Style (2). Ví dụ ở đây, tôi chọn Blue.
Plot thử bản vẽ này. Tuyệt vời! Nó đã có màu xanh mà tôi muốn. Thay vì phải tìm đúng mã trong khoảng 50 màu xanh có sẵn trong AutoCAD, tôi chỉ cần thiết lập plot style là “Blue” cho đối tượng tôi muốn in ra là màu xanh.
Vậy áp dụng cho Layer thì sao? Hãy mở bảng Layer lên, và tạo một Layer mới tên là Wall. Ở mục Plot Style, hãy chọn Red.
Từ giờ, bất kỳ nét vẽ nào của tôi trên layer Wall, khi in ra sẽ có màu đỏ. Tôi có thể thay đổi nhanh điều này bằng cách chọn Plot Style mới mà không cần chỉnh lại màu. Vì thế, nó không ảnh hưởng đến cách hiển thị màu sắc trên model.
STB và quản lý Layer
Giống như CTB, thông thường chúng ta sẽ sử dụng STB như một “bảng màu” nghĩa đen. Tức hai thuộc tính quan trọng nhất là độ dày và kiểu nét sẽ được quản lý bằng Layer. STB sẽ chỉ thay đổi màu sắc và độ mờ của nét vẽ.
Nhưng trong những trường hợp mà kiểu nét ấy chỉ xuất hiện một lần, hoặc cùng layer nhưng đòi hỏi khác kiểu nét và độ đậm nhạt, chúng ta có thể override đối tượng bằng style trong STB dễ dàng. Thay vì phải tìm một mã màu mới trong 255 mã màu có sẵn, chỉ cần tạo một Style mới, với một tên gọi thật dễ nhớ.
Ví dụ, trong bản vẽ hiện tại, tôi muốn vẽ vài chục khung Callout với độ dày nét 1mm, độ mờ 50%, nét đứt, màu đỏ, nằm trong cùng layer Annotation để tôi có thể dễ dàng quản lý bật tắt layer chẳng hạn. Có nhiều phương pháp để làm được điều này.
Chúng ta có thể chọn một mã màu cho nó để đánh dấu như CTB. Chúng ta cũng có thể setting mẫu một đối tượng, sau đó copy nó từ layout này qua layout khác để dùng lệnh Match Properties (lệnh tắt MA). Nhưng cách hiệu quả hơn cả là tạo một style STB mới, ví dụ tên “Special_Callout”, chứa đầy đủ thuộc tính trên.
Khi cần sử dụng, tôi chỉ cần chọn nó từ bảng Plot Styles, thay vì phải lục lại các layout trước. Đồng thời, giả sử khi tôi muốn điều chỉnh độ dày nét từ 1mm lên 1.5mm, tôi cũng sẽ chỉ cần chỉnh style “Special_Callout” này. Tất cả các nét có style “Special_Callout” trên tất cả các layout sẽ được điều chỉnh theo.
Tạm kết
Mặc dù STB là giải pháp tiên tiến hơn, nhưng cho đến nay, nó vẫn chưa phổ biến. Lý do chủ yếu là nhiều văn phòng đã quen với cách làm việc theo CTB cổ điển. Thậm chí, có những văn phòng đến hiện tại vẫn kiểm soát độ dày nét in bằng màu sắc, mà vẫn hoạt động hiệu quả.
Với những bản vẽ trắng đen cổ điển, bạn có thể không phải bận tâm về vấn đề này. Chỉ việc thiết lập độ dày nét trên Layer, và chọn style Monochrome.ctb là xong. Tuy nhiên, với những bản vẽ hiện đại, khi mà màu sắc và độ mờ được áp dụng, CTB sẽ là thứ gây trở ngại cho bạn.
Vì vậy, việc chuyển sang sử dụng STB là một bước tiến hợp lý và cần thiết. Nó giúp nâng cao hiệu suất và chất lượng công việc trên từng bản vẽ. Hãy thử một lần, tôi chắc chắn bạn sẽ hiểu ngay những gì tôi trình bày.
Chúc bạn thành công trong việc ứng dụng STB vào quy trình làm việc và in ấn của mình!