Ngày trước, khi diễn họa, tôi thường tìm cách đưa yếu tố “bụi bặm” vào trong ảnh render. Mọi vật liệu đều được bổ sung các vết bụi, xước, loang lổ bằng cách sử dụng thứ gọi là imperfection texture, dù chỉ với cường độ nhỏ và có khi rất khó nhận ra.
Tôi thích kỹ thuật này. Vì nó xóa bỏ sự hoàn hảo của ảnh render kỹ thuật số. Đây cũng được coi là yếu tố không thể thiếu khi theo đuổi trường phái kết xuất siêu thực. Nhưng gần đây, tôi bắt đầu thử loại bỏ chúng trong thư viện vật liệu của mình, vì có lẽ “sạch” và “hoàn hảo” cũng là một cách không tồi khi render.
Tháng 4 năm ngoái, tôi có nhận chụp ảnh nội thất thực tế cho một người bạn. Công trình được chụp là một quá trà sữa khá nhỏ, mục đích là để nhằm quảng cáo giới thiệu quán. Sau khi hoàn tất và gửi thành phẩm, tôi nhận được yêu cầu: này Dũng ơi, cậu chỉnh Photoshop cho mọi thứ sạch hơn được không?
Bạn tôi (và các khách hàng khác), đều muốn mọi thứ “sạch” nhất có thể để bức ảnh trong có vẻ “ảo” hơn. Trong khi diễn họa, tôi lại muốn mọi thứ “bẩn” nhất có thể để trong bức ảnh trông có vẻ “thật” hơn. Câu hỏi này thực sự khiến tôi suy nghĩ lại về mục đích và phong cách render của bản thân.
Sau cùng, trong kiến trúc và nội thất, ảnh 3D cũng là một bản vẽ. Những thông tin dư thừa mang tính trang trí như vậy có lẽ nên được cân nhắc trước khi đưa vào, bởi nó sẽ tốn thêm thời gian và công sức. Và thực ra, điều tôi thật sự quan tâm là những vết bụi ấy liệu có chạm đến trái tim của khách hàng không mà thôi.
Hãy nhìn ảnh bìa của bài viết, có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng với chất lượng hạng bét như vậy, có thể nó là của cậu sinh viên nào đấy mới tập sử dụng phần mềm. Nhưng không, đây là ảnh render của một công ty kiến trúc rất nổi tiếng ở Greenwich, Mỹ. Thật không thể tin được.
Imperfection texture là thứ quá xa xỉ trong trường hợp này. Và chắc người ta cũng phải kinh ngạc lắm khi ở nước ta, một thiết kế chung cư bình thường cũng sẽ có ảnh render đẹp gấp 10 lần những dinh thự hàng khủng của họ. Ở đây, vết bụi liệu có còn quan trọng?
Ít dòng suy nghĩ ở thời điểm hiện tại, ghi chú lại đây để sau này nhìn lại.
Thông tin thật hữu ích – Nếu diễn họa ở nước khác coi là một nghề độc lập thì ở VN , diễn họa và kiến trúc sư + Thiết kế nội thất lại được coi như là 1 nghề và người làm nghề đòi hỏi phải am tường tất cả – thật khủng khiếp