Tôi không thích từ “niêm luật”. Nó mang lại cảm giác hà khắc, nặng nề và không cho người ta quyền được nghi ngờ hay chất vấn. Suy nghĩ quá nhiều về “niêm luật” cũng thường chỉ khiến công việc thiết kế của tôi trở nên khó khăn hơn.
Khi mới nghiên cứu các sách hàn lâm về kiến trúc cổ điển, đặc biệt là khi nói đến phần kích thước, tôi luôn cảm thấy hoang mang chóng mặt. Một bảng từ điển hoàn toàn mới, mọi thứ đều được chỉ định từng ly từng tý một cách siêu chi tiết và các kích thước rõ ràng đến mức vô lý – khó hiểu.
Ví dụ, về kích thước, người ta hay chia đường kính đáy cột thành 60 phần nhỏ hơn để làm đơn vị đo, gọi là minutes. Mỗi chi tiết đều có một kích thước tính bằng minutes quy định rõ ràng. Đã thế, mỗi tác giả khác nhau lại có 1 hệ thống kích thước khác nhau, kèm theo một bảng chú giải cho từng thứ một. Đôi khi người ta cũng chia thành 48 phần để làm nó trông có vẻ “đơn giản” hơn, nhưng nhìn chung câu chuyện cũng không thay đổi nhiều.
Thế nhưng sau khi căng não để nhồi nhét những tri thức này vào đầu, tôi vẫn không biết cách dùng chúng. Nếu áp dụng vào thiết kế kiến trúc, có lẽ tôi sẽ cần khoảng 30 năm cho 1 căn nhà chỉ để tính toán và đưa ra một bộ bản vẽ hoàn hảo theo sách giáo khoa. Mà thậm chí nó cũng chẳng đẹp nữa.
Hãy tưởng tượng vẻ mặt ngán ngẩm của nhà thầu khi kiến trúc sư cứ nằng nặc đòi một chi tiết phải cao đúng 1 đường kính cột và 36 phút. Điều gì chứng minh được một cái hoa văn cao 28 phút sẽ đẹp hơn 1 cái hoa văn cao 25 phút? Cuối cùng việc thuộc lòng bảng kích thước khắt khe này có thực sự giúp ích gì cho tôi khi thiết kế – sáng tác – hay chỉ làm công cụ cho tôi đi phê bình và bắt lỗi người khác?
Gary Katz – một thợ mộc với hàng chục năm kinh nghiệm trong việc biến “lý thuyết thành sản phẩm”, mở đầu bài viết Rules for Proportion (quy tắc về tỷ lệ) bằng nhận định:
“Không có cái gọi là những quy tắc về tỷ lệ. Chúng không tồn tại. Chỉ có những định hướng”.
Tôi thấy rằng, trong khi thiết kế, coi các quy tắc là “niêm luật” thường khiến chúng ta bị gò bó và cản trở. Nhưng coi chúng là “định hướng” thì khác. Nó giống như dàn bài tham khảo để bạn có thể dành thời gian nhiều hơn cho việc sáng tạo và phát triển những thứ mới.
Ví dụ, về định hướng để vẽ ra 1 khóa vòm đẹp: hãy chia vòm ra 11 phần và lấy phần ở trên đỉnh – đó chính là khóa vòm kích thước phù hợp. Rất đơn giản và dễ áp dụng vào thực tế. Vậy nếu tôi chia thành 13 phần? Không sao hết. 9 phần thì sao? Quá tuyệt vời luôn, miễn là nó vẫn vừa vặn. Nếu cạnh bên của nó bị lệch 1.5 độ so với tâm thì sao? Hỡi ôi tôi xin bạn, sẽ chẳng ai nhận ra đâu. Công việc của bạn lúc này là chỉ là nghĩ xem nên trang trí cái khóa vòm kiểu gì, vì bạn đã ước lượng được tỷ lệ vừa vặn của nó là khoảng như thế nào rồi.
Ý tôi của ngắn gọn là: chúng ta không nên coi định hướng như một kết quả sau cùng, mà nên coi nó như một điểm bắt đầu cho việc sáng tạo, một hình chiếu để tham khảo và dựa vào, giúp quá trình thiết kế được suôn sẻ và nhanh chóng hơn.
Ấy nhưng cũng đừng quá xa rời định hướng. Bạn có thể không tuân theo nó, nhưng chí ít hãy nương tựa vào nó. Kể cả người bình thường cũng sẽ nhận ra các vấn đề về tỷ lệ nếu mọi thứ được thiết kế và tạo hình với tỷ lệ quá kỳ quặc và phi lý.
Đây cũng là điều mà tôi muốn nói về những bài viết trên blog này. Đừng coi chúng là niêm luật hay lý thuyết cao siêu. Hãy coi chúng là định hướng, những lời khuyên gần gũi thực dụng. Chẳng có vấn đề gì nếu làm khác đi một chút cả, miễn là bạn cảm thấy nó vẫn hợp lý và đúng với ý nghĩa ban đầu.
Chúc mọi người có thể tiếp tục say mê vẽ vời!