Bạn có biết rằng, ngoài nội thất, thực ra có cả một phong cách sống mang tên Shaker Style không? Và có lẽ bạn cũng sẽ ngạc nhiên lắm nếu biết từ này vốn dùng để chỉ một nhóm người hay “shaking”, tức là lắc và co giật – theo đúng nghĩa đen, trong nghi lễ tôn giáo của mình.
Ở Việt Nam, từ Shaker thường được dùng để chỉ một loại cánh tủ (cabinet door style). Cũng có một số trang báo định nghĩa kiểu tủ bếp mà cánh lọt trong khuôn (inset cabinet) là tủ kiểu Shaker, tuy nhiên điều đó không đúng. Tôi sẽ trình bày cụ thể điều này trong một bài viết khác.
Để nói đến những người Shakers, chúng ta phải nhắc tới nguồn gốc của họ: những người Quakers. Từ Quakers có nghĩa gốc là “run rẩy giữa đường Chúa đi”, đây là tên gọi khác của Giáo Hữu Hội – The Religious Society of Friends. Giáo Hữu Hội là một nhóm Ki-tô giáo, mà trong đó các thành viên đều tin rằng tất cả mọi người đều có thể cảm nhận được “ánh sáng thiên chúa” trong mình, với các nghi lễ mang tính biểu hiện tâm linh cao.
Sau này, khi các nghi lễ và biểu hiện tâm linh trong nhóm dần dần thoái trào, vào giữa thế kỷ 18, một vài thành viên đã tách ra khỏi nhóm để lập tổ chức mới, nhằm tìm lại những giá trị ban đầu của The Quakers . Họ được gọi là những Shaking Quakers (những người Quakers “bay lắc”), bởi những hành động trong nghi lễ có phần hơi “điên cuồng” và “hoang dại” của mình.
Hãy xem video minh hoạ ở trên. Trong buổi cầu nguyện, họ sẽ hoàn toàn yên lặng trong lúc đầu, cho đến khi được “nhập”: họ nhảy nhót, gào thét, co giật, hát hò, khiêu vũ, diễu hành xung quanh, thậm chí lăn lộn ra sàn. Những hành động như vậy lại dần thu hút được nhiều con chiên sùng đạo. Họ lập nên tổ chức Hiệp hội các tín hữu trong sự hiện ra lần thứ hai của Chúa Kitô – United Society of Believers in Christ’s Second Appearing, tuy nhiên cái tên ngắn gọn và thường được dùng hơn là The Shakers. Đó là nguồn gốc của từ Shaker mà chúng ta hay sử dụng.
Vậy vì sao lại có phong cách nội thất Shaker? Trong nỗ lực tách mình ra khỏi thế giới bên ngoài và tạo ra “thiên đường trên Trái Đất”, các cộng đồng Shaker phần lớn tự cung tự cấp. Họ tự trồng lương thực, xây dựng các tòa nhà, sản xuất công cụ, và tất nhiên cả những đồ đạc trong nhà của riêng họ – trong đó có nội thất. Phong cách Shaker ra đời từ đây, với các triết lý giống như nguyên tắc giáo phái và lối sống của họ: trung thực, tối giản, gọn gàng nhưng thực dụng.
Phong cách Shaker lược bỏ tất cả các chi tiết trang trí như khảm, chạm khắc, tay nắm kim loại hoặc thậm chí là bề mặt veneer – chi tiết mà các Shakers coi là giả dối. Để tăng tính thẩm mỹ cho đồ dùng của mình, họ dùng các các giải pháp như sắp xếp ngăn kéo không đối xứng hay thiết kế những đồ đạc có tính đa năng. Đồ nội thất được làm bằng gỗ anh đào, gỗ phong hoặc gỗ thông, thường được nhuộm hoặc sơn bằng một trong những màu do giáo phái quy định, thường là xanh lam, đỏ, vàng hoặc xanh lục. Tay kéo ngăn kéo cho tủ quần áo hoặc đồ nội thất khác được làm bằng gỗ.
Hiện nay, cộng đồng người Shaker đã không còn phổ biến và gần như biến mất. Chỉ còn 1 làng hoạt động cho đến năm 2019. Tuy nhiên, nếu nói riêng về nội thất, rất nhiều các triết lý và kiểu dáng vẫn tồn tại đến ngày nay, và là cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế khác.