Kiến trúc Tudor có nguồn gốc từ Anh quốc, phổ biến từ cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17. Phong cách này lấy tên từ triều đại Tudor, nổi bật với sự kết hợp của các yếu tố Gothic và Phục hưng. Một trong những đặc điểm dễ nhận biết nhất của phong cách này chính là hệ thống các thanh gỗ nổi bật trên mặt tiền.
Phương pháp xây dựng với hệ thống các thanh gỗ lộ ra ngoài này được gọi là “half-timbering”. Các thanh gỗ thường được sơn tối màu, nằm trên nền tường sơn hoặc làm bằng gạch. Sự kết hợp đó tạo nên các hoạ tiết rất độc đáo và đặc trưng cho kiến trúc Tudor.
Khác với thời hiện đại, khi những thanh gỗ này thường là những tấm dẹt mang tính trang trí, ở thời xưa, gỗ có thể dày đến cả gang tay và có công năng chịu lực đàng hoàng. Tức là về bản chất, nó phản ánh hệ thống khung gỗ kết cấu của công trình.
MỤC LỤC
Vì sao lại là khung gỗ?
Trong thời kỳ Tudor ở Anh, thực tế gỗ là một vật liệu xây dựng phổ biến, rất sẵn có và thậm chí là rẻ tiền. Những cánh rừng thông, sồi rậm rạp bạt ngàn cung cấp nguồn vật liệu dồi dào, dễ dàng khai thác, và dường như là vô tận (thật đáng tiếc là thực tế chứng minh điều ngược lại: không có gì là vô tận).
Với nguồn gỗ già chất lượng cao, độ bền của chúng rất đáng kinh ngạc. Có những công trình đã hàng trăm năm tuổi vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Và có vẻ như nó hoàn toàn sẵn sàng để tồn tại tiếp hàng trăm năm nữa. Chính vì thế, mặc dù có nhiều loại vật liệu xây dựng khác, kết cấu khung gỗ vẫn được ưa chuộng và phổ biến hơn cả.
Với half-timbering, các thanh gỗ lớn (dầm, cột) được ghép nối tạo thành khung nhà cơ bản. Các khoảng trống được lấp đầy bằng các vật liệu như đất sét, gạch hoặc vữa. Các vật liệu lấp đầy này gọi là “infill”. Để hỗ trợ infill, các thanh gỗ nhỏ hơn, gọi là “lath”, được đan vào tường để infill bám chặt hơn.
Để dễ hình dung, hãy liên tưởng tới cách làm nhà tranh vách đất ở Việt Nam. Chỉ khác là chúng ta thường dùng vật liệu lấp đầy (đất) phủ kín lên hệ thống kết cấu.
Sự phát triển
Và cũng như mọi thời điểm khác trong lịch sử, khi đã đạt được 2 yếu tố bền – rẻ, người ta sẽ bắt đầu nghĩ tới yếu tố cuối cùng: đẹp.
Các thanh gỗ bắt đầu được gia công cầu kỳ hơn và chú trọng bề mặt bên ngoài. Chúng được sắp xếp có hệ thống, thậm chí thừa thãi về yếu tố chịu lực để làm đẹp mặt tiền.
Ban đầu, các nét gỗ cong phản ánh hình dáng tự nhiên của gỗ. Sau này, các thanh gỗ thẳng được gia công thành cong có chủ đích để làm mặt tiền mềm mại và đẹp mắt. Bề mặt lộ của gỗ đôi khi được chạm khắc thêm các chi tiết nhỏ để tăng tính thẩm mỹ.
Các ngôi nhà với khung gỗ được thiết kế cầu kỳ dần trở nên phổ biến, và trở thành biểu tượng của thời kỳ này.
Thời hiện đại
Ở thời nay, nguồn tài nguyên gỗ đã dần cạn kiệt và đắt đỏ. Vì thế ít ai dùng gỗ như thành phần chịu lực chính nữa. Nó quá tốn kém. Vì thế, phong cách Mock Tudor (giả Tudor) đã ra đời. Mock Tudor lấy cảm hứng từ kiến trúc Tudor truyền thống, nhưng thường sử dụng các vật liệu và kỹ thuật hiện đại để tạo ra vẻ ngoài giống với phong cách Tudor cổ điển.
Gỗ lúc này được sử dụng như một thành phần trang trí. Chúng được làm dưới dạng thanh mỏng từ 3-5 cm, được ốp hoặc đóng lên mặt tiền. Đôi khi, chúng có thể được làm dày hơn, ốp vào tường thô, rồi mới trát vữa để tạo cảm giác “giả” về chiều dày của thanh gỗ.
Chúng cũng có thể cũng không phải là gỗ tự nhiên, mà có thể là gỗ ghép, gỗ công nghiệp, gỗ nhựa, composite. Thậm chí, đôi khi người ta còn sử dụng … sơn để mô phỏng lại những họa tiết này. Tất nhiên, khi được thiết kế một cách đúng đắn, các chi tiết này cũng tạo ra phần nào duyên dáng cho công trình.
Nhưng ở chiều, ngược lại, nó cũng có thể trở thành thảm họa về mặt thẩm mỹ, nếu không được thiết kế khoa học và có hệ thống. Một mẹo nhỏ tôi hay sử dụng là thiết kế với tâm niệm các thanh gỗ này như là một thành phần chịu lực chính của công trình. Chúng ta sẽ dễ dàng hình dung hơn về hệ thống của nó, để đặt vị trí và kích thước phù hợp.