Trong tự nhiên, một đặc điểm quan trọng để tạo thành cấu trúc vững chãi là phần chân cần to hơn phần ngọn, cái nhỏ xếp trên cái to. Logic này dễ hiểu đến mức bất kỳ một người nào, kể cả trẻ em, cũng có thể lĩnh hội được khi quan sát thế giới xung quanh.
Ngày nay, với công nghệ xây dựng hiện đại, con người có thể bỏ qua nhiều rào cản để tạo ra những công trình phi thường và thách thức thiên nhiên về thị giác. Nhưng thời cổ đại thì khác. Người Hy Lạp và La Mã rất coi trọng quy tắc này khi thiết kế kiến trúc, không chỉ về thẩm mỹ, mà còn là về độ bền vững tự nhiên khi xây dựng. Vì thế, nếu theo trường phái cổ điển, đây là một trong những quy tắc đầu tiên chúng ta cần quan tâm và tôn trọng khi suy tính về kích thước.
Đối với cột, giống như cây cối với phần thân lực lưỡng ở gốc và nhỏ dần phần ngọn, các thức cột cổ điển đều có phần ngọn thu nhỏ lại so với đáy cột, thân cột tạo thành một đường cong phình ở giữa mà Vitruvius gọi là “Entasis”. Điều này làm cho cột trông có vẽ vững chãi và chắc chắn hơn khi gánh lên mình một tải trọng lớn của mái.
Các sách hàn lâm về kiến trúc cổ điển đều có những số liệu riêng và cụ thể đến quá mức cần thiết cho mọi chi tiết trong các thức cột. Vì thế, thực hành vẽ một thức cột chính xác theo sách là một công việc rất kỳ công vất vả. Nhưng dù sao, chúng ta cũng nên biết một vài con số để hiểu thế nào là đúng đắn – thế nào là sai lầm, tránh các thảm họa đến từ thư viện 3D.
Theo kinh nghiệm của tôi, một công thức khái quát dễ nhớ khi vẽ thực tế là: 1/3 cột phía dưới là trụ tròn thẳng, phía trên thu nhỏ dần, với phần thanh mảnh nhất (cổ cột) sẽ to khoảng bằng 0.8 – 0.85 chân cột tùy vào thức cột. Thức cột càng cao, mảnh mai (ví dụ như Corinthian), thì tỷ lệ thu nhỏ càng ít, do bản thân độ cao cũng tạo ra hiệu ứng thon gọn. Quy tắc này thậm chí cũng có thể áp dụng với cả cột vuông nếu muốn.
Cột cũng không bao giờ nên đặt dưới một bề mặt dầm hoặc khối đặc lớn hơn phần thanh mảnh nhất của cột – tức là cổ cột. Điều này đã được trình bày trong phần Tương quan vị trí dầm – cột và bề rộng dầm hợp lý. Đây là một lỗi thường gặp phải nhất và xảy ra nhiều nhất trong thực tế, tạo ra những kiến trúc trông rất yếu ớt và phi tỷ lệ.
Nếu ngôi nhà có nhiều tầng, các cột tầng 2 bao giờ cũng nhỏ hơn tầng 1, tầng 3 nhỏ hơn tầng 2, và cứ như vậy nhỏ dần khi lên cao. Khi kết thúc bằng trụ ban công trong một số phong cách, các trụ này cũng phải được thiết kế thẳng trục và bé hơn cổ cột phía dưới. Điều này đúng với cả các mặt nửa cột trang trí sát tường. Nếu bạn áp dụng chuẩn, quy tắc này sẽ cho bạn một hệ thống trang trí thon đẹp – chắc chắn và tuyệt vời.