Trong quá trình thiết kế, các kiến trúc sư cổ đại luôn luôn quan sát và tìm cách học hỏi từ môi trường xung quanh mình. Vì thế, nếu phân tích các cấu kiện kiến trúc kinh điển, chúng ta sẽ thường có thể phát hiện một đặc điểm gì đó lấy cảm hứng từ thiên nhiên.
Khi thiết kế cột, người ta đã sử dụng các gờ tròn lớn phình ra ở phần chân cột, kết hợp với các rãnh lõm, nhằm ngụ ý cột có vẻ bị “bẹp” xuống khi phải đỡ một tải trọng lớn của công trình. Chi tiết này được gọi là Torus. Hãy tưởng tượng ấn 1 thỏi đất nặn xuống mặt bàn, chúng ta sẽ hiểu ngay logic của các nhà thiết kế thời xa xưa. Với tư duy đó, chúng ta có thể ngẫm ra ý nghĩa của rất nhiều hình dáng tương tự trong kiến trúc cổ điển.
Ngoài ra, trừ Doric phiên bản Greek, tất cả các thức cột đều được đặt thẳng lên thềm hoặc đặt trên 1 tấm bệ hình vuông gọi là Plinth. Và mặc dù chân cột và bệ cột đều làm bằng đá, nhưng thực chất phần cột được hiểu là “mềm” hơn so với phần bệ. Vì thế, plinth luôn được làm hình vuông nhằm diễn tả sự vững chắc, nguyên khối, là mặt phẳng cứng cáp để cột chống lên và khiến chân cột bị “bẹp” ra vì gánh nặng trên mình. Hình tròn và các hình thù kỳ lạ khác sẽ không thể tạo ra được cảm giác vững chắc như hình vuông.
Khi muốn sáng tạo một thức cột mới dựa trên ý tưởng từ các thức cột cổ điển, chúng ta nên chú ý về hình dáng thiết kế của chân cột. Cân nhắc đặt nó trên 1 cái bệ hình vuông hoặc đặt thẳng lên thềm, thay vì hình tròn, tam giác, hay bất kỳ một hình thù nào khác, đồng thời hãy trang trí phào chỉ một cách tiết chế – có chủ đích để không làm giảm độ vững chãi cho nó.
Điều này cũng diễn ra tương tự ở đỉnh cột. Nếu phần đỉnh cột cũng được thiết kế ngụ ý bị “bẹp” ra do trọng lực, ví dụ như phần “bẹp” – gọi là Echinus – của Tuscan hoặc Doric, thì tiết diện tiếp xúc với dầm nên là 1 diện phẳng hình vuông (abacus). Nếu diện tiếp xúc là một tấm hình tròn, hoặc tệ hơn là đỉnh cột tiếp xúc trực tiếp thẳng với dầm, thì mọi thứ sẽ trông khá kỳ quái.