Nếu tìm kiếm về phong cách “tân cổ điển” hay “neoclassical” ở nước ta, định nghĩa hay gặp nhất có lẽ là: “phong cách cổ điển nhưng được giản lược chi tiết”. Nó thường kèm các mô tả khác như sang trọng, đẳng cấp, thời thượng, và hàng loạt các mỹ từ đi vào lòng người khác.
Có trang báo kỳ công hơn, bắt đầu bài viết phân tích bằng trích đoạn lịch sử kiến trúc dài tới hơn một trang A4. Họ cũng không quên nhắc tới các cụ Vitruvius và Andrea Palladio cho thêm phần uy tín. Cuối cùng kết luận rằng: “neoclassical là sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại theo tỷ lệ 50 – 50”. Tức chuẩn mực “nửa nạc nửa mỡ”, giống một miếng thịt ba chỉ lợn hoàn hảo vậy.
Nhưng sự thật thì sao? “Neoclassical” dịch ra tiếng Việt đúng là “tân cổ điển”, nhưng ý tứ của chữ “tân” ở đây không phải là cách tân giản lược, mà là tân sinh. Sứ mệnh của phong cách này là khôi phục lại những giá trị huy hoàng của hệ thống cổ điển trong quá khứ. Lưu ý “quá khứ” ở đây là thời cổ đại, tức là cách thời nay hàng nghìn năm.
Không hề có chuyện cắt gọt hay đơn giản hóa, mà thậm chí còn là ngược lại. Nó cũng có thể “cuồn cuộn” và”cổ điển” hơn cả cách bạn vẫn đang hiểu về cổ điển nữa. Neoclassical cũng không phải là phong cách hay xu hướng mới phát sinh ra trong những năm gần đây, mà thực tế nó đã có từ mấy thế kỷ trước rồi.
Chắc chắn cái gọi là “tân cổ điển” phổ biến hiện hành ở Việt Nam hầu hết không phải là Neoclassical. Vậy ở phương Tây có phong cách nào gần với định nghĩa “tân cổ điển” của Việt Nam không? Tôi nghĩ thứ gần giống nhất về mặt định nghĩa có lẽ là Stripped Classicism, một phong cách cổ điển được “giản lược” hóa. Tuy nhiên, cách biểu hiện hai tinh thần lại hoàn toàn khác nhau.
Ở phương Tây, Stripped Classicism là tiết chế, thậm chí lược bỏ hoàn toàn các hệ thống phào chỉ, phù điêu trang trí, để lộ ra cấu trúc “cổ điển”: hàng cột, vòm, sự đăng đối, và những cấu trúc khác liên quan đến chịu lực. Trong trường hợp này, đối lập với “cổ điển” không phải là “tối giản”, thậm chí hai yếu tố này có thể cùng xuất hiện trên một công trình. Hãy nhìn ảnh bìa của bài viết này, thật khó tin, nhưng đó chính là một công trình cổ điển đích thực theo trường phái Stripped Classicism.
Ở Việt Nam, tinh thần “giản lược” này chỉ đơn giản là dùng loại phào với profile ít “gân guốc” hơn, hoặc bớt số lượng phào trên mặt đứng đi. Nhiều công trình được gọi là “tân cổ điển” mặc dù có có cấu trúc hoàn toàn là hiện đại, chỉ bổ sung thêm một chút phào cho đỡ vuông bằng thẳng phẳng. Quả là một sự nhầm lẫn đáng buồn, cho cả khách hàng và thậm chí là một phần không nhỏ những người thiết kế.
Chiếc áo không làm nên thầy tu. Không có gì sai trái với cả “cổ điển” lẫn “hiện đại”, nhưng hãy hiểu đúng về nó. Sau cùng, một vài nét phào chỉ sẽ bao giờ biến một công trình hiện đại trở thành “cổ điển” được.
Nó vẫn chỉ là một công trình hiện đại được trang trí cầu kỳ hơn chút, mà thôi.