Trần coffered (cofferred ceiling) là một loại trần có các thanh dầm nổi hẳn trên bề mặt, đan vào nhau tạo thành các khoảng đều, thường là hình vuông. Chúng có thể được trang trí với phào chỉ cầu kỳ hoặc để trơn, với vật liệu hoàn thiện rất đa dạng.
Thật không ngoa khi nói đây là kiểu thiết kế trường tồn với thời gian. Chúng thực tế đã tồn tại hàng thiên niên kỷ. Nó có lẽ được sử dụng sớm nhất bởi người Hy Lạp và La Mã cổ đại. Thiết kế này nguyên bản được được ứng dụng trong các mái vòm lớn bằng đá để làm giảm tải trọng của công trình.
Trần coffered phổ biến từ khi các kiến trúc sư thời Phục Hưng cố gắng mô phỏng lại công nghệ xây dựng của La Mã cổ điển. Kiểu trần này rất phổ biến trong cả kiến trúc Baroque và Neoclassical, và thường được sử dụng trong các gia đình giàu có và quý tộc. Khác với logic nguyên bản là “đục” trần để làm giải tải trọng, chúng thường là các dầm gỗ giả hoặc thạch cao để mô phỏng lại kiểu thiết kế này.
MỤC LỤC
Nguồn gốc tên gọi
Nghe có vẻ lạ, nhưng từ coffer có liên quan họ hàng với từ coffin (quan tài). Từ coffer xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ kophinos – tiếng Latin là cophinus. Chúng có nghĩa gốc là “cái giỏ” (basket). Từ này cũng ám chỉ các loại thùng chứa rỗng. Từ coffer nhằm chỉ các khoảng rỗng ở trên trần được tạo ra bởi dầm. Các từ cùng họ với nó là caisson (rương chứa đạn) và casket (tiếng anh là coffin – quan tài). Vì thế, đôi khi coffer ceiling cũng được gọi là caisson ceiling. Thật may mắn vì không ai gọi đây là “trần quan tài”.
Việc “đục” trần để tạo ra hình dáng như vậy gọi là coffering, các trần sau khi đục sẽ là trần coffered.
Kiểu trần này cũng xuất hiện ở nhiều nền văn hóa. Tại Trung Quốc, chúng được gọi là zaojing. Tiếng Latin gọi chúng là lacus, hoặc lacunar. Ở Việt Nam, chắc hẳn thuật ngữ hay dùng nhất là trần ca-rô hoặc trần ô cờ. Lưu ý rằng không nên nhầm kiểu trần này với các trần cũng có dầm lộ nhưng chạy 1 hướng, và không tạo thành lưới (beamed ceiling).
Ưu điểm của trần coffered
Khác với kiến trúc, trong nội thất, trần coffered thường chỉ là một chi tiết trang trí. Và rõ ràng, ưu điểm lớn nhất của nó đó là về mặt thẩm mỹ. Đây là một kiểu trần đẹp và trường tồn, danh xứng với thực. Nó giúp trần trở nên hấp dẫn và có nhiều chi tiết hơn. Nhờ các khoảng trống giật lên, trần coffered cũng giúp không gian trông có vẻ lớn hơn một chút. Thiết kế của nó cũng khá linh hoạt, và có thể phối với nhiều phong cách ngoài Baroque và Neoclassical.
Một tác dụng phụ khác đó là giảm tiếng ồn. Nhờ bề mặt không bằng phẳng, nó giúp tán âm tốt hơn, đặc biệt là nếu kết hợp với các vật liệu cách âm hoặc các loại gỗ mềm, xốp. Chính vì vậy, nên cân nhắc kiểu trần này cho các phòng hát, media hoặc phòng xem phim tại gia.
Chúng đôi khi cũng có thể được dùng để che dầm thật trong không gian, hoặc tạo chỗ cho các đường ống và dây điện. Thậm chí, các hệ thống thông gió cũng có thể bố trí trong các hộp dầm nếu nó đủ lớn.
Ứng dụng trong thiết kế
Trần coffered là một kiểu trần cực kỳ cổ điển và dễ gây ấn tượng. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phải trang trí dày đặc cho nó. Thứ cần nhấn mạnh ở đây là cấu trúc của trần, không phải các chi tiết phào chỉ.
Có nhiều lựa chọn dành cho vật liệu cho kiểu trần này. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào cách bạn phối hợp với không gian trong nhà. Dầm có thể là một thanh gỗ thô mộc, hoặc cũng có thể là hộp thạch cao giả dầm với chi tiết cầu kỳ. Với chi phí đủ lớn, chúng ta cũng có thể làm toàn bộ trần bằng gỗ.
Điều cần lưu ý duy nhất có lẽ là chiều cao của trần. Như đã nói ở trên, đây là một kiểu trần rất nặng về mặt thị giác, nên nhìn chung chúng ta nên sử dụng nó trong những không gian có chiều cao trần từ khoảng 3 mét trở lên. Không có chỉ dẫn cụ thể nào về tỷ lệ của dầm. Nhưng một mặt cắt hình vuông hoặc hình chữ nhật với chiều cao dầm lớn hơn chiều rộng một chút sẽ là lựa chọn an toàn và dễ trang trí.
Các dầm giao cắt và để khoảng trống thường là hình vuông, tuy nhiên nó cũng có thể là hình chữ nhật, hình bát giác, hình thoi hoặc các hình thù kết hợp khác, tùy vào ý đồ thiết kế của kiến trúc sư.