Tổng thể rồi mới đến chi tiết. Bất kỳ kiến trúc sư nào cũng được dạy điều căn bản này. Không nên tính toán chi li kích thước khi còn đang trong giai đoạn concept. Nó chỉ khiến việc thiết kế trở nên chậm chạp, tốn công, khi mọi thứ đều chưa chắc chắc.
Thế nhưng rõ ràng, chúng ta cũng cần 1 con số nào đó để đánh dấu lên thước kẻ. Không thể nhập chữ “tùy” vào SketchUp và mong nó cho ra một cái cột đẹp mắt được. Linh cảm “tổ tiên mách bảo” không phải lúc nào cũng hoạt động tốt, nhất là với kiến trúc cổ điển phương Tây.
Lúc này Diameter là thứ bạn có thể dựa vào. Trong bài viết này tôi sẽ trình bày về Diameter và một số mẹo thực tế bạn có thể sử dụng để ước lượng cho việc phác thảo.
MỤC LỤC
Diameter là gì?
Diameter nghĩa đen là đường kính. Đây là một trong những khái niệm hay được nhắc đến nhất khi bàn về kích thước trong kiến trúc cổ điển. Nó chỉ bề rộng lớn nhất của cột, tức đường kính của chân cột. Cần đặc biệt lưu ý diameter không phải bề rộng của bệ cột, hoặc bất cứ phần lồi ra nào khỏi chân cột.
Một vài sách hàn lâm có dùng thêm các đơn vị như Module, Part, Minute,…, nhưng nhìn chung tất cả chúng đều được tính từ Diameter. Bài viết này sẽ tạm thời không nhắc đến chúng. Dù sao, ở đây chúng ta đang chỉ bàn về cách ước lượng.
Từ Diameter, chúng ta có thể ước lượng ra rất nhiều kích thước quan trọng của công trình. Nếu nhớ được con số chính xác, điều đó sẽ là tuyệt vời. Nếu không nhớ được thì cũng không sao cả.
Ước lượng tổng thể
Khi băn khoăn về một kích thước, hãy nhập một con số “vừa mắt” dựa trên bội của 1 Diameter. Khi nói “vừa mắt”, tất nhiên chúng ta vẫn đang dùng “linh cảm”, nhưng nó đã có cơ sở hơn. Kết hợp với quan sát cảm thụ được tích lũy, khả năng cao là chúng ta vẫn sẽ vẽ ra một tỷ lệ chuẩn hoặc gần chuẩn.
Phía dưới là 1 số ví dụ trong công việc thực tế mà bạn có thể ghi nhớ. Nó không đúng với mọi thức cột, nhưng đừng lo lắng. Khi mới concept, chúng ta chỉ cần tỷ lệ gần đúng, mọi thứ sẽ được chỉnh sửa sau.
- Chiều cao của cột hãy cho bằng 9 diameter.
- Các cột cách nhau nên nhỏ hơn 6 diameter.
- Bộ dầm ngang Entablature cao 2 diameter.
- Bệ cột Pedestal (nếu có) cao 3 diameter.
- Cornice nhô ra 1 diameter.
Và một vài các con số “mẹo” khác. Hệ thống chúng về Diameter sẽ dễ “thuộc bài” hơn là một kích thước cụ thể như 300x300x2700mm. Sau khi đã vượt qua phần concept (và hi vọng là các khách hàng đã thích nó), chúng ta sẽ bắt đầu tra cứu để vẽ các tỷ lệ nhỏ hơn.
Lấy ví dụ, với chiều cao cột. Chiều cao thực sự của của cột Tuscan, Doric, Ionic, Corinthian lần lượt là chẵn 7, 8, 9, 10 diameter. Cột càng điệu đà thì càng cao. Cột càng lực lượng ít họa tiết thì càng lùn. Vì chúng ta đã ước lượng là 9 diameter, nên việc điều chỉnh về đúng với kích thước thực cũng không khó khăn lắm. Bạn hoàn toàn có thể ước lượng bằng số khác, miễn là chúng ở trong khoảng an toàn từ 7-10 diameter. Tuy nhiên cũng đừng xa rời tỷ lệ này quá, nếu không nó sẽ rất vô lý về mặt thị giác.
Ước lượng chi tiết
Trong các sách hàn lâm về kiến trúc cổ điển, mọi detail nhỏ hơn đều có kích thước cụ thể. Và như tôi đã từng nói trong bài viết khác, chúng thường cụ thể quá mức. Sẽ mất rất nhiều thời gian nếu “tạc” công trình theo những số liệu này. Vì thế, sau giai đoạn ước lượng tổng thể, chúng ta sẽ tiếp tục ước lượng chi tiết. Khi cần một con số, hãy lấy số liệu tổng thể chia thành các phần nhỏ hơn. Các con số thường dùng ở đây là 1/2, 1/3, 1/4 và 1/5. Ví dụ:
- Cột thẳng ở 1/3 đầu tiên. Tức là lấy chìa cao cột chia 3.
- 2/3 phía trên, cột thon dần về đỉnh.
- Đỉnh cột rộng 4/5 diameter.
- Đỉnh cột và chân cột cao 1/2 diameter.
- Bệ cột bằng thân cột chia 3.
- Dầm ngang bằng thân cột chia 4.
- Các chi tiết trang trí ngay trên cột rộng 3/4 diameter.
Và tương tự như tổng thể, cũng có nhiều các số “mẹo” ước lượng khác. Cũng tương tự như phần ước lượng tổng thể, việc có một hệ thống ước lượng sẽ giúp chúng ta dễ “thuộc bài” hơn là việc ghi nhớ kích thước cụ thể, hoặc vẽ với kích thước tự do. Ước lượng có hệ thống giúp việc chỉnh sửa detail sau này không gây xáo trộn quá nhiều đến công trình thực tế.
Tạm kết
Phía trên là những ví dụ, định hướng và gợi ý để bạn tự “nảy” ra các con số ước lượng cho riêng mình. Nó không phải là một hệ thống đầy đủ, dù tôi rất muốn liệt kê nhiều con số hơn cho các bạn. Bởi thực tế ngay lúc này tôi cũng không nhớ ra được hết chúng. Nó chỉ nảy ra khi vào tình huống cụ thể trong công việc. Vì thế, đây sẽ là nhiệm vụ của bạn.
Ở đây, tôi có sưu tầm được 1 video minh họa rất dễ hiểu trên SketchUp và muốn giới thiệu nó đến mọi người. Video này được thực hiện bởi Todd Murdock – một trong những tác giả của trang THISisCarpentry.com. Đây là một blog tuyệt vời về thực hành kiến trúc – nội thất cổ điển, với các minh họa dễ hiểu và đẹp mắt bằng SketchUp. Tôi khuyên bất kỳ ai cũng nên đọc và tham khảo.
Và như đã nói trong bài Thiết kế kiến trúc cổ điển: niêm luật hay định hướng?, đừng lo lắng nếu làm khác đi một chút. Chỉ cần chúng vẫn đứng logic và đừng quá kỳ quặc về kích thước, mọi thứ sẽ ổn thôi.
Chúc mọi người có những công trình đẹp!