Trong kiến trúc cổ điển, tỷ lệ của các khoảng cách giữa hai cột được gọi là Intercolumniation. Chúng ta gọi nó là “tỷ lệ”, vì nó không có kích thước cụ thể như 2 mét hay 3 mét. Giống tất cả các chi tiết khác, khoảng cách này được đo bằng diameter – đường kính đáy cột.
Intercolumniation được định nghĩa bởi huyền thoại Vitruvius, với 5 hệ khoảng cách cụ thể. Chúng lần lượt được gọi là Pycnostyle, Systyle, Eustyle, Diastyle, và Araeostyle. Hệ thống tỷ lệ này nguyên bản không chỉ được xây dựng cho mục đích thẩm mỹ. Nó còn là kết quả của các thực nghiệm về kết cấu và độ bền vững của kết cấu đá và gỗ.
Ngày nay, với bê tông cốt thép, chúng ta có thể thoải mái sử dụng bất kỳ một “style” nào mà không cần lo lắng đến việc dầm bị gãy đôi như Vitruvius. Tuy nhiên, bắt đầu phác thảo dựa trên chúng cũng là một lựa chọn an toàn, dễ dàng và là điều nên làm.
Bài viết này tôi sẽ trình bày về 5 hệ thống khoảng cách cột Intercolumniation của Vitruvius. Cá nhân tôi chia chia chúng thành 3 nhóm: nhóm khoảng cách hẹp (Pycnostyle và Systyle), nhóm khoảng cách thích hợp (Eustyle – tỷ lệ mà Vitruvius cho là đẹp nhất), và nhóm khoảng cách rộng (Diastyle và Araeostyle). Đồng thời, tôi cũng sẽ trình bày thêm một nhóm nữa, chỉ xuất hiện trong kiến trúc hiện đại. Tôi sẽ tạm đặt tên là nhóm khoảng cách siêu rộng.
MỤC LỤC
Cách đo đạc khoảng cách cột
Trước khi bắt đầu vào nội dung chính, chúng ta thống nhất khoảng cách giữa hai cột được đề cập ở bài viết là khoảng cách giữa 2 chân cột, được tính bằng diameter, tức là đường kính ở nơi mà cột phình ra to nhất. Lưu ý rằng chúng cũng không phải khoảng cách giữa các bệ, đế.
Để ngắn gọn, trong bài viết này, tôi sẽ gọi tạm khoảng cách này là D. Tức khi nói D=3, chúng ta hiểu rằng khoảng cách giữa hai cột bằng 3 lần đường kính chân cột. Và khoảng cách giữa 2 tâm cột sẽ được cộng thêm 1 lần đường kính cột. Chúng không bao gồm bệ và đế, tức là khoảng cách thông thủy ở chân cột sẽ nhỏ hơn nữa khi có bệ và đế nhô ra.
Nhóm khoảng cách hẹp
Nhóm khoảng cách hẹp bao gồm hệ thống Pycnostyle (D=1.5) và Systyle (D=2). Chúng được sử dụng trong các công trình như đền thờ Caesar (Temple of Caesar), đền thờ Venus (Temple of Venus), đền thờ Equestris Fortuna. Với bước cột nhỏ, nhìn chung chúng tạo thành nhiều bất lợi cho sử dụng, đặc biệt là việc đi lại xung quanh. Ở các đền thờ ngày xưa, điều này khiến các mệnh phụ không thể sánh vai khi bước lên cầu nguyện hoặc tạ ơn Chúa nơi công cộng, mà phải xếp thành hàng và đi nối tiếp nhau.
Nhóm tỷ lệ này ít được ứng dụng thực trong các công trình nhà ở thông thường, vì mặt đứng có cột dày đặc quá mức, che lấp các yếu tố khác trong công trình. Nó cũng gây khó khăn cho việc sử dụng. Ví dụ với các cột đường kính 500mm, chúng ta sẽ có khoảng cách giữa các cột là 750mm và 1m. Sau khi trừ đi phần phình ra của bệ và chân cột, chúng chỉ còn đủ cho 1 người chen qua.
Nhóm khoảng cách thích hợp
Gọi là “nhóm”, nhưng thực tế mục này chỉ có 1 hệ thống duy nhất, đó là Eustyle, với D=2.25 ở các cột biên, và D=3 ở trung tâm. “Thật thích hợp” là từ mà Vitruvius mô tả cho hệ thống khoảng cách này. Ông cho rằng đây là tỷ lệ đẹp mắt và dễ được chấp nhận nhất. Với các cột sát nhau ở biên và mở rộng ở giữa, hệ thống này tạo các lối đi tiện nghi, thanh thoát nhưng vẫn khỏe khoắn. Nhờ việc mở rộng ở giữa, nó cũng giúp thiết kế dễ dàng nhấn mạnh lối vào của tòa nhà.
Đồng thời, quan trọng nhất, chúng khắc phục ảo ảnh thị giác về khoảng cách của các cột. Thông thường, nếu làm khoảng cách tất cả các cột bằng nhau, khoảng cách trung tâm trông bao giờ cũng hẹp hơn so với các cột ở biên. Lý do là vì cột ở biên có đường nét rõ ràng hơn vi không bị chướng ngại, không gian “xâm lấn” nhiều hơn vào giữa các cột. Vì vậy chúng thường có cảm giác “mảnh mai” hơn và khoảng cách giữa chúng cũng có vẻ xa hơn. Việc để khoảng cách rộng hơn ở trung tâm của hệ thống Eustyle giúp chúng ta đối phó với sự lừa gạt thị giác này.
Tất nhiên với các công trình hiện đại, đây thực ra vẫn là một tỷ lệ khá hẹp. Ví dụ, với thân cột rộng 500mm, chúng ta sẽ có các khoảng cách ở biên là 1,125m và ở trung tâm là 1.5m. Sau khi trừ đi phần phình ra của bệ và chân cột, chúng chỉ vừa đủ cho 2 người đi qua. Vì thế, chúng ta có thể sử dụng thủ pháp của Eustyle với các tỷ lệ lớn hơn. Nhiều biến thể của Eustyle đã được áp dụng trong các villa cá nhân, và hiệu quả của nó mang lại là tuyệt vời.
Nhóm khoảng cách rộng
Nhóm khoảng cách rộng bao gồm Diastyle (D=3) như trong đền thờ Apollon hay đền thờ Diana, và Araeostyle (D=4) như trong đền thờ Ceres hay đền thờ Hercules. D=3 trên Diastyle giới hạn mà Vitruvius cho rằng dầm chính còn có thể làm bằng đá. Với D=4 trên Araeostyle, người xưa bắt buộc làm dầm bằng gỗ, nếu làm bằng đá chúng có thể bị gãy vì khẩu độ lớn. Vitruvius không hề thích điều đó. Ông cho rằng hệ thống này khiến các mái trông có vẻ vụng về, thấp và rộng.
Nhưng điều này đã được khắc phục hoàn toàn ở các công trình hiện đại. Diastyle và Araeostyle được sử dụng cực kỳ phổ biến ở trong các công trình nhà ở tư nhân, vì nó mang lại cảm giác thanh thoát, tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng dễ sử dụng. Các chi tiết trang trí không còn bị giới hạn bởi kết cấu, và chúng ta có thể thoải mái bố trí chúng trên mặt đứng.
Nếu hàng cột này được bố trí ở sảnh chính, thì việc kết hợp Eustyle, Diastyle và Araeostyle cũng trở thành một lựa chọn không tồi, với D=3 ở các cột biên và D=4 ở các cột trung tâm.
Nhóm khoảng cách siêu rộng
Vitruvius có lẽ sẽ sốc lắm nếu biết ngày nay chúng ta có thể làm tới D=10, thậm chí là rộng hơn. Tuy nhiên, không phải “có thể” đồng nghĩa với “nên làm”. Con mắt bao giờ cũng tìm cái đẹp và phù hợp. Một mẹo để ước lượng và đánh giá khoảng cách của tôi, đó nhìn vào hình dáng khoảng trống giữa các cột đơn. Nếu nó là hình chữ nhật dọc, tốt. Nếu nó là hình vuông, có thể tạm chấp nhận. Nếu nó là hình chữ nhật nằm ngang, cần phải xem lại.
Tức là khoảng cách tối đa giữa các cột đơn nên bằng đúng chiều cao của nó. Ví dụ nếu cột cao bằng 8 lần đường kính đáy cột, thì Dmax = 8. Và thấp hơn thì càng tốt. Nếu khoảng cách này xa hơn, nhìn chung chúng sẽ đem lại cảm giác yếu đuối và lo lắng về thị giác. Nếu lưới cột là cố định và không thể điều chỉnh, hãy tăng đường kính đáy cột hoặc làm cột kép.
Lưu ý rằng khi đường kính đáy cột thay đổi, chiều cao cột cũng sẽ thay đổi. Nếu chiều cao là cố định, chúng ta có thể cần phải chọn thức cột khác “lực lưỡng” hơn. Nếu như vẫn không đẹp, cần xem xét lại về việc sử dụng cột trong mặt đứng, đừng để chúng phải chống một thứ gì đó quá nặng.
Tạm kết
Khoảng cách giữa các cột cũng không chỉ phụ thuộc máy móc vào đường kính đáy cột, mà chúng còn có thể phụ thuộc vào hình thức trang trí của phần dầm nữa. Ví dụ, trong thức cột Doric, khoảng cách giữa các cột nên là bội số của 1.25, để đảm bảo cho các phù điêu 3 gạch (triglyph) luôn nằm giữa cột khi khoảng cách giữa chúng là hình vuông.
Và như đã đề cập trong bài viết Thiết kế kiến trúc cổ điển: niêm luật hay định hướng?, những con số ở đây chỉ mang tính định hướng cho thiết kế. Chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh đi một chút đề phù hợp với hiện trạng công trình.
Chúc các bạn có những thiết kế đẹp.